Luân xa thường được nói đến trong các phương pháp tập luyện liên quan đến tâm linh. Thông tin về luân xa có đầy trên mạng internet, tuy nhiên cơ sở lý luận về nó thì có vẻ rất thiếu hoặc không được trình bày thấu đáo dẫn đến cách hiểu rất mơ hồ, không hiếm trường hợp gán cho nó sức mạnh thần thánh mà người tập luyện chỉ cần được “mở luân xa” bởi một “sư phụ”, rồi hít thở theo phương pháp nào đó là có thể “hút”, “thu” được năng lượng của vũ trụ để chữa bệnh, hoặc nhanh chóng thụ đắc được những khả năng siêu nhiên để rồi tự cho mình phải có trách nhiệm hành hiệp “cứu nhân độ thế”. Sau đây là một số ngộ nhận thường gặp:
1. Luân xa là một cái gì đó hữu hình có thực?
Ngộ nhận đầu tiên là hiểu luân xa như một cái gì đó hữu hình có thực nằm trong cơ thể mình, giống như lớp màng hoặc như cái gì đó chốt chặn trong cơ thể có thể được đả thông bởi một lực hoặc tác động bên ngoài. Có lẽ do thói quen sử dụng cụm từ “mở luân xa”, “khai mở luân xa” dẫn đến việc hiểu sai này, thậm chí có một số người còn dám định lượng về độ “mở” của luân xa là bao nhiêu phần trăm nữa (sic). Không hiếm bắt gặp những thông tin về “thầy” nào đó đặt tay mở luân xa cho các học viên theo từng “trình độ”: sơ cấp, trung cấp, cao cấp,…
Luân xa là thứ vô hình, hoặc nói cách khác là ở dạng huyền ảo, ai cũng có nhưng lại chẳng thấy nó đâu nếu không…tưởng tượng. Thật vậy, nếu không tưởng tượng thì nó không hiện hữu và cũng không khai thác được lợi ích gì từ nó cả. Lấy ví dụ như này: tưởng tượng trái cóc, ổi, xoài gì đó trong đầu, thế là nước miếng ứa ra trong miệng và ta cảm nhận được vị chua. Đấy! Tác dụng là có thật: nước miếng ứa ra và miệng có vị chua! Hình ảnh mấy trái cây đó làm gì có máy móc hoặc thiết bị khoa học nào chụp hoặc quét được để chứng minh là nó đang hiện hữu trong đầu người đó đâu, chỉ có chính người đó mới biết là có nó, người khác không thấy nên có thể khẳng định là không có. Vì vậy nói có cũng đúng mà quả quyết không có cũng chẳng sai, tùy vào cách nhìn nhận của đối tượng. Luân xa nói riêng và năng lượng tâm linh nói chung cũng vậy, ai muốn khai thác và tận dụng lợi ích, tác dụng của nó thì tập luyện, không thì thôi!
2. Chữa bệnh bằng luân xa thì để “thầy” chữa cho?
Sai! Chữa bệnh bằng luân xa luôn luôn là việc tự thân. Người thầy có thể hỗ trợ chữa cho người bệnh trong quá trình hướng dẫn người bệnh tập luyện nhưng chính người bệnh mới là người phải thực hiện trách nhiệm chữa bệnh cho chính mình!
Mặc dù người thực hành năng lượng tâm linh, ví dụ như người viết (Cát Minh) có thể chữa cho người bệnh, thậm chí là chữa từ xa, nhưng về cơ bản và quyết định thành quả thì vẫn là chính người bệnh phải tự chữa cho mình chứ không phải ai khác.

Cát Minh đã đồng hành cùng gia đình bé từ lúc tưởng chừng như không thể có được bé cho đến khi đủ ngày đủ tháng bé chào đời khỏe mạnh.
(Hình được đăng với sự cho phép của mẹ bé)
3. Tập luyện luân xa là thực hành tôn giáo?
Mặc dù nguồn gốc hệ thống luân xa đến từ các bản văn thuộc tôn giáo nhưng việc tập luyện luân xa qua thời gian đã phát triển rộng ra, đạt đến sự hiểu biết và thực hành ở phạm vi rộng lớn hơn. Ngày nay nó là phương pháp tập luyện để tự chữa bệnh được rất nhiều người thuộc mọi tầng lớp xã hội thực hành, chẳng liên quan gì đến yếu tố tôn giáo.
4. Luân xa là một dạng ma quỷ, thế lực hắc ám?
Kiểu suy nghĩ này rất thường thấy ở những người “ngoan đạo”, cái gì khác với hoặc không được công nhận trong giáo lý của tôn giáo mà người đó theo là họ không dám tiếp cận, hoặc “chụp” luôn cho cái mũ là cái đó thuộc về thế lực hắc ám, ma quỷ. Người viết chẳng lạ gì chuyện này vì đã từng gặp phải với chính người thân, bạn bè của mình.
Chính xác thì ngược lại! Tập luyện luân xa đúng đắn mang lại nguồn năng lượng dồi dào, truyền dẫn sức sống, ánh sáng, nhận thức, hiểu biết – là những cái xua tan sự tối tăm, mê muội – cho thể xác, trí tuệ và tinh thần.
5. Luân xa chữa bách bệnh?

Hãy tỉnh táo! Rất rất nhiều người rơi vào ảo tưởng, phóng đại, thậm chí đến độ mê tín về sức mạnh hoặc hiệu quả của việc chữa bệnh bằng luân xa, mù quáng áp dụng chữa cho mọi loại bệnh, để rồi sau đó lại thất vọng khi kết quả không như mong đợi hoặc có khi bệnh tình trở nên nghiêm trọng hơn. Hãy luôn luôn sử dụng tri thức khoa học trước tiên. Chỉ đến khi các phương pháp chữa bệnh theo khoa học không có tác dụng thì hãy nghĩ đến phương pháp chữa bệnh bằng luân xa.
Khi viết bài này, tác giả vừa trải qua phẫu thuật nội soi cắt ruột thừa được đúng một tuần. Nếu cứ mù quáng chữa bằng luân xa, không cậy nhờ đến y học can thiệp thì giờ này chắc gì còn có thể ngồi đây viết bài!
Xin nhắc lại: KHOA HỌC TRƯỚC TIÊN!